image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nông dân Ý Yên phát triển mô hình gia trại, trang trại
Nông dân Ý Yên phát triển mô hình gia trại, trang trại

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Ý Yên đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, trong đó đẩy mạnh nuôi thủy sản theo mô hình cá - lúa hoặc kết hợp trồng trọt với chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

anh tin bai

Hội viên Nguyễn Hồng Phú, chi Hội Nông dân Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa với

mô hình trang trại nuôi gà theo hướng VietGAP.

Anh Nguyễn Hồng Phú, hội viên chi Hội Nông dân Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa nhiều năm qua đã thành công với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Sau khi xuất ngũ về địa phương, nhận thấy tiềm năng đất đai thích hợp cho việc trồng trọt, chăn nuôi, với ý định làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh đã tham gia sinh hoạt trong tổ chức HND. Được hỗ trợ tiếp cận các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, tham quan học tập kinh nghiệm từ nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh đầu tư vốn xây dựng trang trại. Ban đầu, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lại chưa có kinh nghiệm nên năng suất, sản lượng thu được thấp. Nhờ xã tạo điều kiện mở rộng diện tích theo chủ trương dồn điền đổi thửa và được Ngân hàng NN và PTNT cho vay vốn, gia đình anh đã mở rộng quy mô sản xuất trên diện tích 3.000m2, nuôi 2.000 con gà theo hướng áp dụng các biện pháp chăn nuôi bền vững an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Đến nay, trang trại của anh ngày càng phát triển với quy mô 4.000 con gà, doanh thu từ trứng gà 720 triệu đồng, gà thịt 180 triệu đồng, vịt 212 triệu đồng và khoảng 6 tấn thịt lợn. Không chỉ cung ứng gà giống, thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ trong và ngoài xã, anh còn giúp đỡ 30 hộ chăn nuôi với số tiền trên 2 tỷ đồng không tính lãi, hộ vay nhiều nhất tới 250 triệu đồng; hỗ trợ trả chậm tiền cám và gà giống cho các hộ khó khăn. Hàng năm, anh cùng HND xã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho gần 100 lượt hội viên về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Trang trại và cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. 

Tại xã Yên Thọ, mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Lê Văn Cần đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khởi nghiệp với nghề chăn nuôi lợn, trải qua không ít khó khăn, thất bại, đến năm 2015, ông quyết định mở rộng quy mô sản xuất, dồn ruộng cộng với diện tích thuê đất của các hộ trong thôn thuê được 21 nghìn m2 ruộng ở khu vực Đình Kênh. Được HND các cấp giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, ông đầu tư xây chuồng trại, đào ao thả cá và trồng một số loại cây ăn quả đặc sản. Trang trại được ông Cần vận hành theo mô hình tuần hoàn: chất thải chăn nuôi từ lợn được đưa vào bể chứa biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; qua hệ thống lọc nước thải được tận dụng để tưới cho vườn cây ăn trái; phân lợn được xử lý sau đó ủ thành phân bón hoai mục, bón cho vườn cỏ voi cắt làm thức ăn cho cá. Đến nay, ông sở hữu tổng diện tích trang trại 13.500m2 được xây dựng theo mô hình khép kín có quạt thông gió, điều hòa đảm bảo kỹ thuật; đang duy trì chăn nuôi thường xuyên 500 con lợn thịt, gần 100 con lợn nái, 3 ao cá với các loại cá chép, trắm, lăng; 300 gốc bưởi Diễn, 150 gốc mít Thái, 100 gốc nhãn, 1.000 cây đinh lăng cho thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm. Ông Cần đã được các cấp HND đề nghị bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”.

Phát huy thế mạnh của địa phương về chăn nuôi gia súc gia cầm, nhiều hộ nông dân trong huyện đã phát triển các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp nuôi gà, vịt, lợn. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Thướng, xã Yên Minh với mô hình trang trại tổng hợp, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 3-5 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hộ bà Nguyễn Thị Hằng, xã Yên Tân với mô hình trang trại chăn nuôi, kinh doanh thức ăn gia súc. Hộ ông Tô Văn Mạnh, xã Yên Phương với mô hình nuôi chạch sụn cho thu nhập 600 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi và sản xuất giống cầy hương của hộ ông Nguyễn Tất Thắng, thôn Mỹ Lộc, xã Yên Phương, quy mô trên 200 đôi xuất bán đi các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh...  Một số trang trại chăn nuôi thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi như trang trại chăn nuôi lợn của bà Đinh Thị Nhuận, xã Yên Hồng; ông Nguyễn Việt Hùng, xã Yên Lợi; ông Chu Văn Lượng, xã Yên Tân; trang trại chăn nuôi gà của ông Nguyễn Văn Thanh, xã Yên Tân… Từ việc đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế gia trại, trang trại, hội viên nông dân trong huyện đã góp phần xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong lĩnh vực trồng trọt đã hình thành các vùng trồng rau tập trung theo công nghệ Nhật Bản, VietGAP tại các xã Yên Dương, Yên Cường, Yên Mỹ; sản xuất khoai tây theo tiêu chuẩn VietGAP tại Yên Nhân. Một số hộ nông dân đầu tư mô hình trang trại hiện đại với hệ thống nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước tạo ra các sản phẩm rau, củ, quả sạch, an toàn. Chăn nuôi chuyển dịch sang quy mô trang trại, gia trại theo phương thức nuôi công nghiệp. Nhiều trang trại áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như chuồng lồng, chuồng kín tự động đã điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, tăng mật độ nuôi. Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhất là trong các trang trại, gia trại, doanh nghiệp chăn nuôi như: công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, máy tách phân công nghệ biogas… đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong phát triển kinh tế thủy sản, huyện đã hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã Yên Trung, Yên Thọ, Yên Nhân, Yên Khánh, Yên Hồng, Yên Chính với nhiều đối tượng con nuôi mới có giá trị kinh tế cao.

Với việc đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế gia trại, trạng trại, hội viên nông dân huyện Ý Yên đã nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đưa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển./.

(Bài và ảnh: Lam Hồng)

Cơ quan chủ quản: Xã Yên Trung - Huyện Ý Yên
Địa chỉ: Xã Yên Trung - huyện Ý Yên- tỉnh Nam Định
Email:Vienytnd@gmail.com.vn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang